Dù là lí do gì, điều quan trọng là phải hiểu cách xử lý tình huống này. Bạn cần giữ được sự chuyên nghiệp đồng thời tìm ra lí do vì sao ứng viên từ chối để cải thiện quy trình tuyển dụng theo hướng tốt hơn.
Dưới đây là những việc cần làm khi ứng viên từ chối thư mời làm việc của bạn, hãy cùng tham khảo nhé!
Giữ thái độ lịch sự và tích cực
Điều này đặc biệt quan trọng vì bạn không nên phá vỡ mối quan hệ với ứng viên. Có thể họ không thành công trong công việc mà họ đã quyết định theo đuổi và sẽ quay lại tìm cơ hội với công ty của bạn.
Mặt khác, trong thị trường việc làm hiện tại, việc tạo ra một trải nghiệm ứng tuyển tích cực cho ứng viên là điều hết sức cần thiết. Nhiều người không ngại chia sẻ quan điểm của họ trên các phương tiện truyền thông, vì vậy nếu một ứng viên từ chối thư mời làm việc của bạn, hãy luôn đảm bảo rằng bạn luôn cư xử chuyên nghiệp.
Yêu cầu phản hồi
Như đã đề cập, điều quan trọng là cố gắng hiểu lý do tại sao ứng viên từ chối thư mời làm việc của bạn. Để biết được điều này, bạn cần khéo léo khơi gợi nhằm có được câu trả lời trung thực.
Lưu ý rằng một số ứng viên có thể căng thẳng khi nói với bạn qua điện thoại hoặc từ chối nghe máy. Vậy nên, hãy hỏi họ qua email. Điều này có thể khiến việc nhận phản hồi trở nên chậm hơn nhưng hãy cố gắng và kiên trì.
Xem lại đề nghị của bạn
Nếu ứng viên từ chối thư mời làm việc của bạn vì họ không hài lòng với mức lương và các phúc lợi đề nghị, bạn có thể xem xét lại. Hỏi họ những gì khác bạn có thể cung cấp để họ chấp nhận công việc. Điều này không có nghĩa là bạn nhất thiết phải đáp ứng yêu cầu của họ mà có nghĩa là họ có nhiều khả năng thành thật với bạn hơn.
Khi đã có ý tưởng về mong muốn của ứng viên, hãy quay lại và xem xét ưu đãi mà bạn đã cung cấp. Bạn có sẵn sàng trả một mức lương cao hơn, hoặc điề u chỉnh một chút gói phúc lợi? Tất nhiên, điều này phụ thuộc vào ngân sách của bạn, ứng viên và sự lựa chọn bạn có trên thị trường.
Trong một số trường hợp, nếu mức lương thấp hơn những gì ứng viên mong đợi, bạn có thể khiến họ thay đổi quyết định bằng một số ưu đãi khác như có được số ngày nghỉ nhiều hơn hoặc cơ hội làm việc tại nhà vài ngày một tuần.
Một điều cần lưu ý ở đây là bạn không nên tỏ ra tuyệt vọng và đừng cố ép ứng viên chấp nhận công việc. Điều này có thể phản tác dụng và sau khi nhận việc, họ có thể rời đi sớm hơn dự đoán.
Kiểm tra thương hiệu tuyển dụng của bạn
Một yếu tố khác cần xem xét khi ứng viên từ chối thư mời làm việc là thương hiệu tuyển dụng của bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu họ đề cập đến các đánh giá tiêu cực mà họ đã đọc được trên mạng.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Mặc dù nó giúp thể hiện những yếu tố tích cực khi làm việc cho công ty của bạn, nhưng nó cũng là nơi để những nhân viên bất mãn đưa ra các quan điểm tiêu cực.
Vì lý do này, bạn nên luôn kiểm tra thương hiệu tuyển dụng của mình. Hãy để mọi người nhìn vào công ty và khao khát được trở thành một thành viên trong đó.
Thực hiện các thay đổi cần thiết
Nếu nhận thấy có một lượng lớn ứng viên đang từ chối lời đề nghị, bạn có thể cần thực hiện các thay đổi trong quy trình tuyển dụng. Chẳng hạn, có thể ứng viên không muốn làm việc vì bạn đã bắt họ chờ đợi kết quả quá lâu. Trong trường hợp này, hãy cân nhắc bỏ bớt các giai đoạn không cần thiết hoặc thường xuyên cập nhật thông tin với ứng viên trong lúc chờ kết quả cuối cùng.
Đừng nản lòng nếu một ứng viên từ chối thư mời làm việc của bạn
Chỉ vì bạn đưa ra thư mời làm việc với ai đó, không có nghĩa là họ sẽ sẵn sàng chấp nhận. Điều này cho thấy rằng có một số bước bạn cần thực hiện để tình hình trở nên khả quan hơn. Nó phụ thuộc vào ứng viên và vai trò mà bạn đang tuyển dụng. Nếu đó là một vị trí khó tuyển người thì hãy cố hết sức có thể. Tuy nhiên, nếu đó là vị trí mà bạn biết rằng có một lượng lớn người tìm việc đang chờ đợi, bạn có thể không cần quá lo lắng về việc mất ứng viên. Bạn chỉ cần điều chỉnh các điểm thiếu sót và tiếp tục công việc của mình.